Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chúng ta luôn ghi nhớ đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam
Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị. Khi đó, thực dân Pháp và giai cấp phong kiến đã cấu kết với nhau thống trị nước ta, dân ta một cổ hai tròng, thân phận nô lệ bị đọa đày áp bức và đau khổ không kể xiết. Các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng Việt Nam, tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại.
Giữa hoàn cảnh tối tăm ấy, từ những khó khăn chưa có lối thoát, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến Cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.
Là người Việt Nam đầu tiên từ lòng yêu nước mà đến với chủ nghĩa cộng sản, suốt 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác Hồ đã đặt chân lên 28 quốc gia, 4 châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để hoạt động cách mạng, Người đã nhận ra sâu sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười, đó là: muốn giải phóng dân tộc thì phải làm cách mạng vô sản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi không những tiếp tục củng cố sự nghiệp giải phóng đất nước về chính trị mà còn giải phóng một bước cao hơn về kinh tế, thực hiện dân chủ, công bằng, tự do, bình đẳng, đem lại nền văn minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc khoa học, trí tuệ và hiện đại, trải qua trăm ngàn thử thách, ngày càng giành thêm những thắng lợi mới.
Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Đây là vinh dự tự hào vô cùng lớn lao của Đảng và Nhân dân ta.